Sau những phóng sự "kinh hãi" về thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng cực kỳ hoang mang, tạo nên một làn sóng kinh doanh mới có tên là "thực phẩm sạch". Những cửa hàng thực phẩm sạch bắt đầu từ đó mọc lên như nấm, thế nhưng chẳng được bao lâu thì cũng lần lượt đóng cửa.
Nhu cầu thị trường cao, người tiêu dùng quan tâm, nhưng tại sao các cửa hàng thực phẩm sạch lại dễ dàng "chết" trong thời gian ngắn như vậy? Những lý do sau sẽ giải đáp câu trả lời cho chúng ta:
Thói quen khó thay đổi
Người tiêu dùng rất quan tâm tới vấn đề thực phẩm sạch, nhưng trong thực tế, vì nhiều lý do mà họ vẫn chưa sẵn sàng bước vào một cửa hàng thực phẩm sạch để mua. Tại sao? Có một tá lý do được đưa ra: "Chợ gần nhà đi tiện", "Giá rau trong cửa hàng mắc quá", "Sao biết rau trong đó sạch?"... Sợ thì vẫn sợ, lo lắng có lo lắng nhưng thói quen từ bao lâu nay thì làm sao trong một sớm một chiều mà bỏ được?
Câu chuyện ở đây là người kinh doanh phải làm sao để người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen cũ để mua sản phẩm của bạn. Người làm được điều này đã chạm tới một bước thành công khi kinh doanh cửa hàng thực phẩm sạch.
Niềm tin và sự hoài nghi
Người bán rao: "Rau sạch, trái cây sạch đây!" thì người mua họ có tin bạn không? Khi mà trên thị trường có nhiều con sâu làm rầu nồi canh, dán mác thực phẩm sạch mà vẫn đưa hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc về bán. Đừng chỉ dùng lời nói để lấy lòng tin khách hàng, vì ai cũng có thể làm được như bạn!
Người tiêu dùng hiện nay rất thông thái, họ có nhiều kênh khác nhau để tìm hiểu thông tin, vì vậy, bạn hãy tiếp cận họ mọi nơi có thể. Thay vì chỉ nói, bạn nên hành động để cho khách hàng biết bạn đang mang đến những sản phẩm chất lượng, an toàn nhất.
Những video quay về nông trại lấy hàng, quy trình trồng trọt, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm,... hay đơn giản tổ chức những buổi dùng thử sản phẩm cũng là cách bạn có thể tạo được niềm tin với khách hàng.
Vội vàng mở rộng quy mô
Giá thành thực phẩm sạch thường cao hơn với mặt bằng chung thị trường, thế nên, muốn cắt giảm giá thành, thường người ta sẽ nghĩ ngay đến cách mở rộng quy mô kinh doanh. Nhưng khoan hãy vội làm điều này, khi bạn vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc vì việc mở rộng sẽ là gánh nặng lớn cho hoạt động kinh doanh.
Với số vốn tầm 100 - 250 triệu đồng là đã có thể mở một cửa hàng thực phẩm sạch. Bạn hãy tự mình làm tất cả, nhưng vẫn nên có thêm 1 - 2 nhân viên hỗ trợ bán hàng, quản lý hàng hóa. Tiếp đến hãy tiếp cận khách hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, instagram, diễn đàn,... Những đối tượng khách hàng này thường là dân văn phòng, chị em nội trợ, những người sẵn sàng bỏ ra mức chi phí cao hơn cho một sản phẩm đáng tin tưởng.
Không dự phòng rủi ro
Với nguồn vốn dồi dào ban đầu, điều sai lầm nhất là bạn đổ hết vào để đầu tư cửa hàng, hãy tính toán và để dành một quỹ dự phòng rủi ro khi kinh doanh. Đừng chỉ vạch ra kế hoạch chi tiết khi cửa hàng thành công, mà bạn cũng nên có những kế hoạch dự phòng, những phương án giải quyết những rủi ro mà cửa hàng có thể đối mặt.
Với đặc thù của sản phẩm rau củ là sự tươi ngon, thì bài toán thời gian bán hàng, bảo quản tồn kho là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần trang bị đầy đủ trang thiết bị đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời tính toán lượng hàng phù hợp với nhu cầu khách hàng, tránh tình trạng dồn ứ hàng ngày qua ngày.
Với những sản phẩm sắp hết hạn, cửa hàng cần có kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ, hoặc có phương án xử lý tối ưu như: chế biến thành sản phẩm khác, mang từ thiện,... Đừng làm sản phẩm trở thành vô ích, hãy tận dụng nó tốt nhất mà bạn có thể!