Parsley hay rau mùi là 1 loại rau gia vị phổ biến trong các món ăn. Hôm nay, hãy cùng chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH tìm hiểu ngay về loại rau mùi tây Parsley là gì? Có tác dụng gì? Đồng thời bổ sung mẹo phân biệt mùi tây, cần tây, rau mùi nha!
1 Parsley là gì?
Parsley có tên tiếng Việt là rau mùi tây, là một loại rau được dùng làm gia vị khá quen thuộc trong giới ẩm thực. Chúng là một loại cây thân thảo thuộc chi Petroelium và phần lá là được sử dụng nhiều nhất. Parsley có hai loại chính là rau mùi tây lá thẳng và lá xoăn.
Rau mùi tây có hình dạng khá tương đồng với rau mùi của Việt Nam - hay còn gọi là ngò rí. Với hình dạng lá xoăn tự nhiên và bề mặt lá phẳng, nhưng màu lá của chúng thường có màu xanh đậm, dày hơn và kích thước to hơn rau mùi của Việt Nam.
Đây là một loại rau được dùng khá phổ biến trong ẩm thực, nhất là ở các nước Trung Đông, châu Âu hay Bắc Mỹ.
Lá Parsley chứa nhiều vitamin và chất khoáng như protein, sắt, kali, vitamin B2 và giúp tăng hương vị của món ăn. Do vậy, phần lá của loại rau này được sử dụng nhiều hơn hết.
2 Rau mùi tây có tác dụng gì?
Giàu chất dinh dưỡng
Trong 1/2 chén (30 gr) mùi tây tươi, cắt nhỏ cung cấp các chất dinh dưỡng sau:
Năng lượng: 11 calo
Carb: 2 gr
Chất đạm: 1 gr
Chất béo: dưới 1 gr
Chất xơ: 1 gr
Vitamin A: 108% lượng tham chiếu hàng ngày (RDI)
Vitamin C: 53% RDI
Vitamin K: 547% RDI
Folate: 11% RDI
Kali: 4% RDI
Rau mùi tây rất giàu vitamin, nhất là vitamin K, đây là chất cần thiết cho quá trình đông máu và sức khỏe của xương. Bên cạnh đó, nó còn cung cấp vitamin A và C - những chất dinh dưỡng quan trọng có đặc tính chống oxy hóa.
Ngoài ra, mùi tây rất ít calo nhưng lại có hương vị đặc biệt, nên nó là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon.
Giàu chất dinh dưỡng
Giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là các hợp chất ngăn ngừa tổn thương tế bào bị gây ra bởi các gốc tự do. Để duy trì sức khỏe tối ưu, cơ thể cần có sự cân bằng lành mạnh giữa chất chống oxy hóa và các gốc tự do.
Các chất chống oxy hóa chính trong mùi tây là: flavonoid, carotenoid và vitamin C.
Trong đó, flavonoid trong mùi tây có 2 loại chính bao gồm myricetin và apigenin. Các nghiên cứu cho thấy rằng, chế độ ăn giàu flavonoid có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như: ung thư ruột kết, tiểu đường loại 2 và bệnh tim.
Tiếp đến, carotenoid bao gồm beta carotene và lutein. Nhiều nghiên cứu cho rằng việc tiêu thụ nhiều carotenoid hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh, chẳng hạn là ung thư phổi.
Bên cạnh đó, vitamin C cũng có tác dụng chống oxy hóa mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe miễn dịch và bảo vệ chống lại bệnh mãn tính.
Điều thú vị là mùi tây khô có thể có chất chống oxy hóa cao hơn so với cây tươi. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy: loại thảo mộc khô có hàm lượng chất chống oxy hóa cao gấp 17 lần so với loại tươi.
Giàu chất chống oxy hóa
Hỗ trợ sức khỏe của xương
Để duy trì sự khỏe mạnh và chắc khỏe, xương cần các vitamin và khoáng chất. Trong mùi tây chứa nhiều vitamin K - một chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của xương. Chẳng hạn, 1/2 chén (30 gr) cung cấp 547% RDI.
Theo nghiên cứu, vitamin K giúp xương chắc khỏe hơn bằng cách hỗ trợ các tế bào tạo xương được gọi là nguyên bào xương, kích hoạt một số protein nhất định làm tăng mật độ khoáng chất của xương, giúp giảm nguy cơ gãy xương - đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Hỗ trợ sức khỏe của xương
Hỗ trợ ngừa ung thư
Stress oxy hóa bị gây ra bởi sự mất cân bằng về mức độ chất chống oxy hóa và các gốc tự do, dẫn đến sự phát triển của một số bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư.
Mùi tây rất giàu chất chống oxy hóa là flavonoid và vitamin C, giúp giảm stress oxy hóa trong cơ thể và có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Ví dụ, nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống nhiều flavonoid có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết lên đến 30%. Ngoài ra, flavonoid myricetin và apigenin cũng có chứa hoạt tính chống ung thư trong các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật.
Bên cạnh đó, ăn các thực phẩm giàu vitamin C cũng hỗ trợ đáng kể cho vấn đề này. Một nghiên cứu cho thấy rằng, tăng 100 mg vitamin C mỗi ngày làm giảm nguy cơ ung thư tổng thể xuống 7%. Hơn nữa, tăng 150 mg vitamin C trong chế độ ăn uống mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt lên đến 21%.
Thông tin thêm, trong 1/2 chén (30 gr) mùi tây cung cấp 53% RDI vitamin C, bạn có thể căn nhắc để bổ sung vào chế độ ăn uống lành mạnh của bản thân nhé!
Hỗ trợ ngừa ung thư
Bảo vệ đôi mắt
Lutein, beta carotene và zeaxanthin là ba loại carotenoid - chất chống oxy hoá có trong mùi tây. Chúng giúp bảo vệ đôi mắt, cải thiện thị lực khỏe mạnh.
Lutein và zeaxanthin có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, một bệnh mắt không thể chữa khỏi và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên khắp thế giới.
Nghiên cứu kết luận rằng ăn thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng giai đoạn cuối lên đến 26%.
Beta carotene cũng là một loại carotenoid khác hỗ trợ sức khỏe của mắt. Nó có thể được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể của bạn, do vậy, mùi tây rất giàu vitamin A.
Vitamin A rất cần thiết cho sức khỏe của mắt, vì nó giúp bảo vệ giác mạc (lớp ngoài cùng của mắt), cũng như kết mạc (lớp màng mỏng bao phủ phía trước mắt) và bên trong mí mắt. Trong 1/2 chén (30 gr) lá tươi cắt nhỏ cung cấp 108% RDI cho loại vitamin này, bạn hãy bổ sung để cân bằng với chế độ ăn nhé!
Bảo vệ đôi mắt
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Mùi tây là một loại thảo mộc giàu chất dinh dưỡng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, vì nó cung cấp 11% RDI folate chỉ với 1/2 chén (30 gram).
Việc hấp thụ nhiều folate trong chế độ ăn uống có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu trên 58.000 người đã phát hiện ra rằng, tiêu thụ nhiều folate có thể giảm 38% nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngược lại, lượng folate thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu ở 1.980 nam giới đã quan sát thấy, nguy cơ mắc bệnh tim tăng 55% ở những người ăn ít chất dinh dưỡng này.
Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng, folate có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách làm giảm nồng độ axit amin homocysteine. Homocysteine là loại chất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch bằng cách thay đổi cấu trúc và chức năng của động mạch.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Đặc tính kháng khuẩn
Một nghiên cứu trong ống nghiệm đã chứng minh rằng, chiết xuất mùi tây có hoạt tính kháng khuẩn đáng kể chống lại nấm men, nấm mốc và một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng phổ biến được gọi là S. aureus.
Chất chiết xuất cũng có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm. Một nghiên cứu khác trên ống nghiệm cho thấy nó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại gây ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn như Listeria và Salmonella.
Đặc tính kháng khuẩn
Chống viêm
Mùi tây có tác dụng chống viêm vì nó chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, A và E, có thể giúp làm dịu chứng viêm.
Bác sĩ y khoa Brunilda Nazario cho biết: "Mùi tây có thể giúp giảm nguy cơ viêm khớp. Nó cũng là một nguồn tuyệt vời cung cấp flavonoid - chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, xơ vữa động mạch, bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson".
Chống viêm
Ngăn ngừa nếp nhăn
Ăn rau mùi tây có lợi cho làn da của bạn, vì loại thảo mộc này chứa nhiều vitamin C, mà vitamin C tạo ra collagen, mang lại cấu trúc và sức mạnh cho làn da, giúp làm mờ và ngăn ngừa nếp nhăn.
Ngăn ngừa nếp nhăn
Lợi tiểu, giảm đầy hơi
Theo một đánh giá năm 2002 tại Đại học Beirut của Mỹ, có bằng chứng cho thấy mùi tây có thể được sử dụng như một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên, giúp giảm giữ nước và giảm đầy hơi.
Trong nghiên cứu, sau 24h, những con chuột được cho uống chiết xuất hạt mùi tây đã tăng đáng kể về lượng nước tiểu.
Ngoài ra, mùi tây có lợi cho hệ tiêu hóa, vì nó giúp kích thích thận sản xuất nước tiểu và đào thải nước thừa ra khỏi bụng, để tránh gây khó chịu và khó tiêu.
Lợi tiểu, giảm đầy hơi
Cải thiện tiêu hóa và sức khỏe thận
Mùi tây và tinh dầu mùi tây được sử dụng để điều trị một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, đầy bụng, khó tiêu và buồn nôn.
Theo Ayurveda, mùi tây có lợi cho tiêu hóa vì tinh dầu trong nó có thể giúp tăng sản xuất mật và dịch vị, có lợi cho các chức năng của enzym liên quan đến hấp thụ thức ăn và chất dinh dưỡng.
Theo các nghiên cứu, mùi tây có lợi cho thận, làm giảm nguy cơ sỏi thận và giúp điều chỉnh mức độ pH của cơ thể bằng cách giảm nồng độ axit.
Một nghiên cứu năm 2017 đã kết luận rằng, mùi tây hoạt động như một loại thuốc chống ung thư máu bằng việc giảm bài tiết canxi và protein trong nước tiểu, tăng độ pH trong nước tiểu, giảm chứng đái dắt.
Để sử dụng tinh dầu mùi tây, bạn có thể cho tinh dầu vào bồn tắm hoặc pha loãng và xoa lên vùng bụng để giảm đau nhé.
Cải thiện tiêu hóa và sức khỏe thận
Kháng khuẩn, kháng nấm trên da
Mùi tây có lợi cho da và sức khỏe răng miệng vì nó chống nhiễm trùng và vi khuẩn. Tinh dầu mùi tây được cho là có hiệu quả trong việc kháng nấm, xóa mờ các vết thâm do vi khuẩn gây ra trên da.
Một sản phẩm khác từ rau mùi tây là dầu mùi tây nằm trong lá, rễ và hạt của cây, được coi là chất kháng khuẩn. Nó được sử dụng trong xà phòng, chất tẩy rửa, nước hoa và các sản phẩm vệ sinh khác vì có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và mùi hôi.
Tinh dầu mùi tây rất mạnh và có thể gây phản ứng da hoặc bỏng tại chỗ, vì vậy bạn không bôi trực tiếp lên da nhé. Thay vào đó, trộn dầu mùi tây cùng với dầu dừa, dầu ô liu hoặc dầu hạnh nhân, sau đó thoa lên da để tránh bất kỳ phản ứng không mong muốn.
Kháng khuẩn, kháng nấm trên da
Giữ răng miệng thơm mát
Một trong những lợi ích khác của mùi tây là loại giữ cho răng miệng thơm tho. Vì nó là một chất làm thơm hơi thở tự nhiên bởi khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây ra mùi hôi trong khoang miệng.
Giữ răng miệng thơm mát
Giúp cân bằng nội tiết tố
Hạt mùi tây được sử dụng như một loại gia vị ở các nước châu Á và Ấn Độ, nhằm giúp ổn định kinh nguyệt, điều trị chứng vô kinh (mất kinh) và giảm đau bụng kinh. Nó được cho là giúp cân bằng hormone - quan trọng đối với khả năng sinh sản và ngăn ngừa các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Ngoài ra, vì giàu folate nên nó giúp ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh có thể xảy ra cho thai nhi, do đó bạn nên sử dụng rau mùi tây để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Giúp cân bằng nội tiết tố
3 Rau mùi tây có phải là rau cần tây, rau mùi (ngò rí)?
Cùng tham khảo bảng dưới đây để phân biệt 3 loại rau mùi tây, cần tây và rau mùi nhé:
Rau mùi tây Rau cần tây Rau mùi (ngò rí)
Nguồn gốc Địa Trung Hải Anh, Pháp Châu Âu, Đông Á
Đặc điểm lá Hơi có lông, mỗi lá có kích thước và hình dạng khác nhau, màu xanh nhạt Lá thuôn dài, dài nhất trong 3 loại Ngắn hơn lá mùi tây, màu xanh đậm
Hương vị Mùi vị đậm đà, thơm Mùi vị thoang thoảng Mùi vị nhẹ nhàng
Sử dụng Thường dùng trang trí món ăn Nguyên liệu chính trong món súp hay salad Thường dùng trang trí món ăn và trong 1 số vị thuốc
4 Rau mùi tây mua ở đâu?
Rau mùi tây đã dần trở thành nguyên liệu chế biến khá phổ biến, không những ở nước ngoài mà còn ở Việt Nam. Do đó, không khó để tìm mua loại rau này tại các chợ, hệ thống siêu thị, hoặc cửa hàng Bách hóa XANH trên toàn quốc và trang thương mại điện tử.
Tại tháng 08/2021, giá thường dao động từ 25.000 - 50.000 VND/100gr - đối với mùi tây tươi và khoảng 30.000 - 40.000 VND/hũ 15gr - đối với mùi tây sấy khô.